Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp, trong một xu hướng tăng dài hạn mà bạn lại đánh short vì kì vọng giá sẽ đảo chiều do đã tăng quá cao? Hay một xu hướng giảm mà bạn luôn đánh Long vì nghĩ đó đã là đáy không thể giảm thêm nữa?
Và hậu quả là tài khoản của bạn cũng bốc hơi theo các lệnh ấy. Vậy nguyên nhân này ở đâu? Làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng tìm hiểu trong bài Trendline (Đường xu hướng) với những nội dung:
- Trendline là gì?
- Ý nghĩa của trendline
- Phân loại và cách xác định trendline
- Công cụ dùng để vẽ trendline
- Cách vẽ trendline và lưu ý cần nắm
- Giao dịch theo xu hướng (trendline) thực hiện như thế nào?
Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Trendline là gì?
Trendline (hay đường xu hướng) là một đường thẳng thể hiện xu hướng di chuyển của giá. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các phân tích kỹ thuật. Đường xu hướng giúp cho ta xác định hướng di chuyển của giá một cách dễ dàng và rõ ràng hơn. Giao dịch theo xu hướng là giao dịch theo chiều của giá, tương đương với việc giao dịch theo chiều dịch chuyển của dòng tiền chính – lượng cung/cầu trên thị trường.
Trendline sẽ được tạo ra bằng cách:
- Nối các đỉnh lại với nhau trong một xu hướng giảm.
- Nối các đáy với nhau trong một xu hướng tăng.
- Trong một số trường hợp, Trendline có thể nối các đáy với các đỉnh.
Ý nghĩa của Trendline
Quay lại vấn đề mình đặt ra ở đầu bài. Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn cháy tài khoản là do bạn đánh ngược xu hướng.
Trend is friend – xu hướng là bạn.
Chắc hẳn những bạn có tìm hiểu và trade theo trường phái phân tích kỹ thuật đều đã nghe qua câu trên. Đúng vậy, trong bất cứ thị trường nào bạn đều phải đánh theo xu hướng chính và tuyệt đối không được đánh ngược xu hướng.
Và công cụ đơn giản nhất để bạn xác định được xu hướng thị trường chính là Trendline. Tương tự như đường hỗ trợ kháng cự, Trendline được dùng để nhận định xu hướng của giá trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó giúp các trader tìm ra:
- Vùng áp lực mua bán.
- Vùng cung cầu tiềm năng.
- Điểm vào và thoát lệnh hợp lý.
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Trendline và Hỗ trợ Kháng cự là:
- Hỗ trợ kháng cự là các đường thẳng.
- Trendline là những đường dốc.
Trendline là công cụ cần thiết phải có trong bất kì bài phân tích nào.
Phân loại và cách xác định Trendline
Trong thị trường có 3 giai đoạn chính: uptrend, downtrend và sideways. Vì vậy, Trendline cũng được chia thành 3 loại chính là tăng, giảm và sideways. Trong đó:
- Xu hướng tăng trong thị trường tăng giá (uptrend): Đường thẳng nối các đáy mà khi chạm đến nó giá sẽ bật lên, được gọi là đường hỗ trợ. Trong đó các đáy mới phải cao hơn các đáy cũ – đỉnh mới phải cao hơn đỉnh cũ. ⇒ Bên mua nhiều hơn bên bán.
- Xu hướng giảm trong thị trường giảm giá (downtrend): Đường thẳng nối các đỉnh mà khi chạm đến nó giá sẽ giảm xuống, được gọi là đường kháng cự. Trong đó các đáy mới phải thấp hơn các đáy cũ – đỉnh mới phải thấp hơn đỉnh cũ. ⇒ Bên bán nhiều hơn bên mua.
- Xu hướng đi ngang trong thị trường không có xu hướng (sideways): Sideways là trường hợp giá không có biến động rõ ràng hoặc đang khá bình ổn, giá lúc này sẽ dịch chuyển trong giữa vùng được tạo ra bởi đường kháng cự và hỗ trợ mà không phá ra được. ⇒ Vị thế cân bằng giữa bên mua và bên bán.
Trong bài viết này mình chỉ đề cập đến 2 xu hướng chính là xu hướng tăng và xu hướng giảm.
Cài đặt công cụ vẽ Trendline trên Tradingview
Để sử dụng các công cụ trên bất kỳ nền tảng nào, điều đầu tiên bạn cần làm là tạo tài khoản, đăng nhập và vào chart! Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các công cụ cần thiết để vẽ trend line trên Tradingview.
Sau khi đã đăng ký tài khoản, đăng nhập và vào chart của TradingView, bạn hãy chọn cặp giao dịch cần phân tích và làm theo các bước sau:
- Ở thanh công cụ bên góc trái, click vào ô thứ 2 có hình đường thẳng (Bước 1).
- Bảng này sẽ chứa toàn bộ công cụ để vẽ đường xu hướng. Trong đó, các công cụ được đánh dấu thường được sử dụng nhiều.
Cách vẽ Trendline
Trước khi vẽ Trendline, việc bạn cần làm đầu tiên là xác định thị trường đang trong xu hướng nào, như mình đã đề cập ở phần trên:
- Các đáy mới cao hơn đáy cũ và đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ ⇒ Xu hướng tăng.
- Các đáy mới thấp hơn đáy cũ và đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ ⇒ Xu hướng giảm.
Khi đã xác định được xu hướng của giá, bạn cần đánh dấu các các đáy và đỉnh trong chart, sau đó dùng đường thẳng để nối các đỉnh lại (nếu là xu hướng tăng) hoặc nối các đáy (nếu là xu hướng giảm).
Ở phần này mình sẽ hướng dẫn vẽ 2 đường xu hướng chính:
- Đường cơ bản: Đường xu hướng chỉ đi qua các đỉnh (hoặc các đáy).
- Đường nâng cao: Đường xu hướng phải vừa đi qua đỉnh, vừa đi qua đáy và nến bao trùm đi qua (điểm phá vỡ mạnh).
Đường cơ bản
Cách vẽ và xác định đường trendline cơ bản khá đơn giản:
Đối với xu hướng tăng, vẽ một đường thẳng hướng lên đi qua càng nhiều đáy càng tốt.
Đối với xu hướng giảm, vẽ một đường thẳng hướng xuống đi qua càng nhiều đỉnh càng tốt.
Bạn hãy vẽ thật nhiều theo góc nhìn của mình rồi quan sát cách giá phản ứng với đường xu hướng bạn vẽ. Nếu giá phản ứng tốt – đảo chiều khi chạm vào thì bạn đã vẽ đúng.
Đường nâng cao
Theo mình thì trendline có bản chất khá giống với một hỗ trợ kháng cự. Một đường xu hướng mạnh cũng phải thỏa 3 yếu tố:
Trendline nâng cao trong xu hướng tăng là đường thẳng đi qua:
- Ít nhất 2 đáy.
- Ít nhất 1 đỉnh.
- Có nến bao trùm (điểm phá vỡ mạnh).
Hay
Trendline nâng cao trong xu hướng giảm là đường thẳng đi qua:
- Ít nhất 2 đỉnh.
- Ít nhất 1 đáy.
- Có nến bao trùm đi qua.
Hay
Trong đó, yếu tố đầu tiên (được tô đậm) là quan trọng nhất.
Lưu ý khi vẽ đường trendline
Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi vẽ Trendline:
- Khi giá break một xu hướng tăng hay giảm và trở về thì đường xu hướng này vẫn còn sử dụng được.
- Đường xu hướng càng dốc thì độ tin cậy càng thấp và khả năng bị phá vỡ càng cao.
- Đừng cố gắng vẽ một đường xu hướng vừa vặn với thị trường, đừng rập khuôn lý thuyết mà phải biết thay đổi linh hoạt.
- Khi giá chạm vào đường xu hướng nhiều lần mà không bị phá vỡ thì đó là một đường xu hướng mạnh. Vì thế khi nó bị phá vỡ thì khả năng giá đảo chiều rất cao.
- Đôi khi thị trường sẽ rất xấu và không thể vẽ được đường xu hướng chính xác.
- Xu hướng có thể là một vùng giá, một đường parabolic, chứ không nhất thiết phải là một đường thẳng.
Cách giao dịch theo xu hướng
Hãy luôn nhớ rằng: Trend is friend – xu hướng là bạn. Do đó, bạn phải luôn luôn giao dịch theo xu hướng.
Tại sao không nên giao dịch ngược xu hướng?
Bạn cũng biết yếu tố cội nguồn để hình thành 1 xu hướng là lượng cung cầu trên thị trường, nơi chia làm 2 phe (phe bán và phe mua) đang chiến đấu với nhau rất quyết liệt.
Khi thị trường đang có xu hướng tăng, nghĩa là phe mua đang thắng thế so với phe bán hay nói cách khác phe mua đang đông hơn phe bán. Là 1 trader kiếm lợi nhuận bạn biết rõ mình nên theo phe nào để dành phần thắng cao hơn cũng là kỹ năng cần thiết.
Giao dịch với phương pháp đảo chiều
Với phương pháp này, bạn sẽ:
- Mua khi giá chạm vào xu hướng tăng.
- Bán khi giá chạm vào xu hướng giảm.
Đối với phương pháp này khuyết điểm lớn nhất là nó phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn vẽ đường xu hướng. Vẽ 2 đường xu hướng khác nhau sẽ khiến 2 điểm vào lệnh khác nhau hoàn toàn.
Vậy nên để an toàn và có tín hiệu tốt hơn, bạn nên sử dụng chung với tín hiệu phân kì ẩn của MACD hay RSI để báo hiệu tiếp diễn xu hướng.
Khi giá chạm vào đường xu hướng và xuất hiện phân kì ẩn, điều này cho thấy đường xu hướng bạn vẽ khá đúng và có thể giao dịch với tín hiệu này.
Giao dịch với phương pháp phá vỡ (Breakout)
1. Mua khi giá phá vỡ xu hướng giảm
Nếu điểm phá vỡ mạnh là một cây nến bao trùm tăng thì vị trí vào lệnh MUA là ngay cây nến sau đó.
Trong một số trường hợp, ở khung thời gian nhỏ hơn có xuất hiện dấu hiệu giảm thì bạn có thể mua ở vị trí giá retest đường xu hướng giảm để tối ưu lợi nhuận.
2. Bán khi giá phá vỡ xu hướng tăng
Nếu điểm phá vỡ mạnh là một cây nến bao trùm giảm thì vị trí vào lệnh BÁN là ngay cây nến sau đó.
Trong một số trường hợp, ở khung thời gian nhỏ hơn có xuất hiện dấu hiệu tăng thì bạn có thể bán ở vị trí giá retest đường xu hướng tăng để tối ưu lợi nhuận.
Bạn nên sử dụng chung với tín hiệu phân kì thường của MACD hay RSI để báo hiệu đảo chiều xu hướng.
Khi giá break đường xu hướng và xuất hiện phân kì đảo chiều cho thấy đường xu hướng bạn vẽ khá đúng và có thể giao dịch với tín hiệu này.
Ngoài các chỉ báo bạn có thể dùng kèm các mô hình nến đảo chiều hoặc các đường hỗ trợ kháng cự cho cả 2 phương pháp giao dịch.
Kết luận
Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, việc của bạn không phải là học tất cả các phương pháp nhưng bạn cần hiểu phương pháp của chúng để vận dụng linh hoạt hơn trong quá trình xây dựng hệ thống giao dịch chuẩn.
Như vậy bài viết đã chia sẻ đến bạn về Trendline là gì và cách vẽ hay giao dịch theo xu hướng như thế nào. Ngoài ra, anh em có thể xem thêm video dưới đây để hiểu được cách vào lệnh và xác định được Stoploss – Take Profit với Trendline (đường xu hướng):
Series học tập này dành cho các bạn vừa mới bắt đầu tìm hiểu về đường xu hướng cũng như phân tích kỹ thuật có thể dễ dàng đọc hiểu và ghi nhớ.
Nguồn: MarginATM.com