Lý thuyết Dow là một trong những nền tảng vững chắc cho phân tích kỹ thuật mà những trader khi tham gia vào thị trường theo trường phái phân tích kĩ thuật nên tìm hiểu và nắm rõ. Cùng tìm hiểu về lý thuyết Dow qua các nội dụng sau:
- Lý thuyết Dow là gì?
- Tại sao lý thuyết dow quan trọng?
- 06 nguyên lý trong lý thuyết Dow
- Chiến lược giao dịch theo lý thuyết Dow
- Lưu ý khi áp dụng lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow là gì?
Lý thuyết Dow được xem là nền tảng, là lý thuyết nền móng cho phân tích kỹ thuật. Lý thuyết Dow thể hiện sự biến động chung của thị trường bao gồm tiền tệ hay cổ phiếu. Lý thuyết Dow bao gồm 6 nguyên lý cơ bản về thị trường.
Lý thuyết Dow hình thành dựa trên các bài viết của Charles Dow về lý thuyết thị trường. Dow là người sáng lập và biên tập viên của Tạp chí Phố Wall, ông cũng là đồng sáng lập của Dow Jones & Company. Trong thời gian làm việc tại công ty này, ông đã có sáng kiến tạo ra chỉ số chứng khoán đầu tiên được gọi là Chỉ số Vận tải Dow Jones (DJT), theo sau là chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA).
Tại sao lý thuyết Dow quan trọng?
Cũng như xây nhà, bạn cần phải xây dựng nền mỏng trước tiên. Nhà càng cao, nền móng càng phải vững chắc nếu không nhà của bạn chắc hẳn sẽ có nguy cơ sập bất kì lúc nào. Khi tham gia vào thị trường, để trở thành một nhà phân tích kỹ thuật chuyên nghiệp cũng giống như vậy. Trước khi học những bài nâng cao, đầu tư thật nhiều tiền vào thị trường bạn cần phải trang bị cho mình thật nhiều kiến thức.
Như mình đã trình bày ở trên, lý thuyết Dow được xem là nền tảng của phân tích kỹ thuật. Dù theo bất kì trường phái nào, lý thuyết Dow thì lý thuyết Dow luôn là một trong những bài học chúng ta cần thiết phải nắm.
Các nguyên lý trong lý thuyết Dow
Nguyên lý 1: Thị trường phản ánh tất cả mọi thứ
Lý thuyết Dow hoạt động dựa trên Giả thuyết thị trường hiệu quả (Efficient-market hypothesis). Theo lý thuyết Dow, khi thị trường biến động (tăng hoặc giảm giá) thì tất cả các thông tin có sẵn đều được phản ánh trong giá. Chẳng hạn như khi nhìn vào sự biến động của giá, ta có thể thấy được tâm lý giao dịch của đám đông tham gia thị trường.
Ví dụ: Doanh thu của một dự án có xu hướng tăng, điều này sẽ được phản ánh quá giá trị đồng coin dự án đó phát hành. Hoặc khi thị trường tăng và chạm kháng cự, sẽ xuất hiện những cây nến Doji. Điều này phản ánh tâm lý do dự, thiếu quyết đoán của những người đang tham gia vào thị trường.
Trong một số trường hợp, lý thuyết Dow có thể vận dụng để dự đoán một xu hướng giảm sắp diễn ra dù dự án đó liên tục thông báo các tin tức tốt.
Vì lẽ đó mà rất nhiều trader và nhà đầu tư đã tin tưởng nguyên tắc này. Đặc biệt bởi những người sử dụng nhiều các phương pháp phân tích kỹ thuật.
Bên cạnh đó, đối với những người theo trường phái phân tích cơ bản hơn thì không đồng ý và tin rằng giá trị thị trường (giá cả) không phản ánh giá trị nội tại của một cổ phiếu hay tài sản.
Nguyên lý 2: Ba xu hướng của thị trường
Theo lý thuyết Dow có ba loại xu hướng chính trên thị trường:
- Xu hướng cấp 1 (xu hướng chính của thị trường): thường kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, đây là chuyển động lớn của thị trường.
- Xu hướng cấp hai thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
- Xu hướng cấp ba sẽ kéo dài trong vài ngày đến vài tuần. Trong một số trường hợp, xu hướng ngày chỉ kéo dài trong một vài giờ hoặc một ngày.
Với ba xu hướng này, các trader có thể xác định bằng cách vào các khung thời gian lớn để xác định xu hướng chính (cấp 1) của thị trường. Sau đó vào các khung thời gian nhỏ hơn để xác định xu hướng cấp 2 và 3.
Tuy nhiên, đối với thị trường crypto, nguyên tắc này dường như còn hạn chế. Vì nhiều dự án mới phát hành thời gian gần đây, bạn không thể áp dụng nguyên tắc này.
Ví dụ: Khi tìm hiểu và nghiên cứu một dự án nào đó, bạn nhận thấy tiềm năng của dự án và có ý định sẽ đầu tư vào. Bạn có thể áp dụng nguyên lý này vào thực tiễn. Khi một coin/token có xu hướng chính tích cực (tăng giá) nhưng xu hướng cấp 2 và 3 lại tiêu cực (thiên về giảm giá). Thì bạn vẫn còn cơ hội mua nó ở mức giá thấp hơn và tích luỹ chờ ngày giá trị của nó tăng.
Tuy vậy, nhược điểm của phương pháp này là bạn rất khó để xác định được thị trường đang ở xu hướng nào và cần vận dụng thêm nhiều công dụng khác.
Nguyên lý 3: Bốn giai đoạn của xu hướng chính
Theo nguyên lý 3, Dow xác định rằng các xu hướng chính thường có bốn giai đoạn: Tích lũy, Tăng giá, Dư thừa & Phân phối, cuối cùng là Giảm giá.
- Tích lũy: Sau giai đoạn thị trường đi xuống (bear market) trước đó, định giá tài sản vẫn còn thấp do tâm lý thị trường chủ yếu là tiêu cực. Các Trader và các nhà tạo lập thị trường thông minh bắt đầu tích lũy trong giai đoạn này, trước khi các tài sản có sự tăng giá đáng kể.
- Tăng giá: Nhiều người tham gia thị trường đã nhận ra cơ hội mà các Trader thông minh đã quan sát thấy và mọi người ngày càng trở nên tích cực trong việc mua vào. Trong giai đoạn này, giá có xu hướng tăng nhanh.
- Dư thừa & phân phối: Trong giai đoạn thứ ba, công chúng vẫn tiếp tục đầu cơ nhưng xu hướng đã gần kết thúc. Khi có lực mua sẽ yếu dần, các nhà giao dịch sẽ chốt lời dần ở giai đoạn này.
- Giảm giá: Ngay sau giai đoạn phân phối, các dấu hiệu giảm giá sẽ rõ ràng hơn. Ở giai đoạn này nguồn Cung nhiều hơn Cầu, giá bắt đầu giảm vào giai đoạn tái phân phối chuẩn bị cho một chu kì mới.
Cả Bốn giai đoạn này hình thành một vòng tuần hoàn cho thị trường.
Nguyên lý 4: Sự tương quan giữa các chỉ số trên thị trường
Theo lý thuyết Dow, các xu hướng chính trên một chỉ số thị trường nên được xác nhận bởi các xu hướng quan sát được trên một chỉ số thị trường khác. Các chỉ số được nhắc đến theo Dow chủ yếu là Chỉ số Vận tải Dow Jones và Trung bình Công nghiệp Dow Jones.
Điều này có thể hiểu đơn giản là trên thị trường các chỉ số luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn đối với Bitcoin: Khi BTC tăng giá mà vốn hoá thị trường (TOTAL) lại sideways hoặc giảm nhẹ. Điều này có nghĩa Dom BTC (BTC.D) bắt đầu tăng theo BTC.
Nguyên lý 5: Khối lượng giao dịch tỉ lệ thuận với xu hướng thị trường
Lý thuyết Dow tin đã tin rằng khối lượng giao dịch là một trong những yếu tố (chỉ số) quan trọng có ảnh hướng đến giá cả. Một xu hướng mạnh tăng hoặc giảm mạnh phải đi kèm với khối lượng giao dịch lớn.
Khối lượng càng lớn sẽ phản ánh trực tiếp đến giá, càng có nhiều khả năng phản ánh xu hướng thực sự của thị trường. Và ngược lại, khi khối lượng giao dịch ở mức thấp sẽ không phản ánh đúng xu hướng của giá (có thể đảo chiều bất cứ lúc nào).
Nguyên lý 6: Giá cả biến động theo xu hướng
Trên thị trường, giá cả thường biến động theo một trong ba xu hướng: tăng, giảm hoặc sideways (đi ngang) cho đến khi có một yếu tố tác động đến giá (hoặc chỉ báo kỹ thuật) cho thấy sự đảo chiều.
Vì điều này, lý thuyết Dow cho rằng xu hướng sẽ không được xem là đảo chiều cho đến khi chúng được xác nhận là xu hướng chính mới. Bên cạnh đó, việc phân biệt giữa một xu hướng cấp hai và việc bắt đầu một xu hướng chính mới là không dễ dàng. Các nhà giao dịch rất dễ nhầm lẫn việc thị trường bước vào một xu hướng chính mới hay đây chỉ là quá trình điều chỉnh (xu hướng cấp hai).
Chiến lược giao dịch theo lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow cho bạn cái nhìn tổng quát về thị trường. Bạn có thể áp dụng lý thuyết Dow để vẽ có vùng giá tiềm năng và giao dịch theo phương pháp Breakout.
Ví dụ: Khi xu hướng chính của thị trường là xu hướng tăng. Ta có các đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ, đáy mới cao hơn đáy cũ. Bạn có thể áp dụng lý thuyết Dow trong trường hợp như hình dưới đây. Khi giá tạo đỉnh đầu tiên và điều chỉnh nhẹ. Entry sẽ là đỉnh này. Khi đó, bạn đã có một vị thế tương đối tốt. Hãy đặt Stoploss dưới Dow một xíu. Ở xu hướng giảm cũng áp dụng chiến lược tương tự.
Lưu ý khi sử dụng lý thuyết Dow
Đừng cố gắng đi tìm “chén thánh” trên thị trường vì không có phương pháp nào là hoàn hảo 100%. Trên thực tế lý thuyết Dow còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Lý thuyết Dow luôn có độ trễ nhất định. Chính vì thế, bạn không thể dùng lý thuyết Dow làm phương pháp giao dịch chính mà cần có những công cụ, chỉ báo khác hỗ trợ.
- Bạn không thể phân loại xu hướng thị trường rõ ràng khi chỉ dựa vào Lý thuyết Dow. Nguyên lý 2 cho thấy thị trường có 3 xu hướng chính nhưng sự giao động của giá có muôn hình vạn trạng. Bạn rất khó để xác định nó đang ở xu hướng nào.
- Trong Crypto, đôi khi thị trường sẽ bị thao túng trong thời gian ngắn. Và bạn không thể vận dụng phân tích kỹ thuật hoặc lý thuyết Dow trong lúc này.
Tổng kết
Hiểu về Lý thuyết Dow sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng hơn về phân tích kỹ thuật, hiểu hơn về bản chất của thị trường. Qua đó, bạn có thể chọn ra cho mình chiến lược giao dịch phù hợp cũng như lựa thời điểm thích hợp nhất tham gia vào thị trường.
Như vậy mình đã chia sẻ về Lý thuyết Dow là gì và Cách áp dụng lý thuyết Dow trong giao dịch. Series học tập này dành cho các bạn vừa mới bắt đầu tìm hiểu về Lý thuyết Dow cũng như phân tích kỹ thuật có thể dễ dàng đọc hiểu và ghi nhớ.
Nếu anh em có thắc mắc nào có thể đóng góp ý kiến hoặc bình luận bên dưới nhé! Chúc anh em thành công!
Nguồn: MarginATM.com